1. Đau mắt hột là gì?
Chứng đau mắt hột (tiếng Anh: trachoma) là bệnh nhiễm trùng mắt do vi khuẩn Chlamydia trachomatis có khả năng làm thẹo, và nếu không chữa trị sẽ gây mù mắt.
Trong khoảng 5 - 12 ngày sau khi xâm nhập vào mắt, vi khuẩn gây viêm mí và màng của mắt. Mắt sưng, đỏ hồng, ngứa ngáy khó chịu rồi nếu để lâu không chữa sẽ thành các vết thẹo trong mí và mắt. Khi mí mắt sưng có thể làm lông mi quặm vào trong, cọ xát vào tròng mắt tạo thêm vết thẹo, làm mờ mắt hay mù mắt.
2. Nguyên nhân của bệnh đau mắt hột
Mặc dù đau mắt hột được gây ra bởi một loại vi khuẩn nhỏ ký sinh trùng, do vệ sinh kém, sử dụng nước không vệ sinh cho phép các vi khuẩn lây nhiễm sinh sống trong vùng. Đau mắt hột là bệnh cổ xưa và đã từng phổ biến trên toàn thế giới, ngoại trừ ở vùng khí hậu lạnh hơn.
Đau mắt hột lây lan qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với dịch tiết mắt, mũi, cổ họng hoặc với người có bệnh đau mắt hột, hay gián tiếp qua ruồi hoặc côn trùng khác. Nguyên nhân chung là do vệ sinh kém, nguồn nước không hợp vệ sinh. Nó là phổ biến nhất ở trẻ nhỏ (3-5 tuổi), người lây cho anh chị em, bố mẹ, và bạn cùng chơi.
3. Triệu chứng
Có thể phân loại các triệu chứng của bệnh đau mắt hột như sau:
- Thể nhẹ: Bệnh nhân mắc bệnh ở thể nhẹ, có cảm giác ngứa mắt, cộm mắt, chảy nước mắt. Đó là do viêm kết mạc vì bị tổn thương nhẹ vùng mô giác mạc. Trong trường hợp này, nếu người bệnh giữ gìn vệ sinh vùng mắt tốt có thể tự khỏi bệnh.
- Thể nặng: Khi bệnh tiến triển nặng hơn, cảm giác khó chịu tăng dần ở vùng mắt. Bệnh nhân thấy ngứa mắt thường xuyên, chảy nước mắt và có hiện tượng quáng gà vào buổi chiều.
4. Biến chứng nguy hiểm của bệnh đau mắt hột
- Viêm kết mạc mãn tính: làm cho mắt cộm, ngứa, đỏ quanh năm.
- Lông quặm, lông xiêu: là tình trạng lông mi mọc xiêu vẹo, biến dạng, quặp hoặc cọ sát liên tục vào giác mạc khiến giác mạc bị tổn thương, trầy xước, đục, mờ giác mạc, thậm chí có thể gây loét giác mạc. Nếu nhiễm trùng có thể dẫn đến viêm mủ nhãn cầu gây teo, mù mắt.
- Viêm sụn mi: là tình trạng sụn mi bị dày lên, xơ hóa và biến dạng.
- Loét giác mạc.
- Bội nhiễm: Các tác nhân gây bệnh khác có thể xâm nhập gây viêm, loét giác mạc, những trường hợp nặng có thể gây mù lòa.
- U hột ở rìa: u hột ở vùng rìa giác mạc lan vào diện đồng tử và có khi có cả trên toàn bộ giác mạc.
- Loạn thị: do sạn vôi và các sẹo mắt hột cọ sát lâu ngày trên giác mạc làm giác mạc gồ ghề, lởm chởm, sai lệch đường đi của ánh sáng vào mắt gây loạn thị, giảm thị lực.
- Khô mắt, khô giác mạc: do các ống tuyến bị teo, giảm tiết dịch. Mắt trắng khô như mắt tượng, mờ hẳn. Khô mắt có thể dẫn tới tình trạng loét giác mạc, thủng giác mạc và gây mù mắt.
- Viêm tuyến lệ, tắc ống dẫn lệ: gây ra triệu chứng mờ mắt, chảy nước mắt sống. Bệnh nhân bị mắt hột có biến chứng sẽ có 3 triệu chứng mà chúng ta hay gọi là tình trạng mắt toét gồm: trụi lông mi, mắt ướt, bờ mi đỏ.
5. Cách phòng bệnh
Bệnh mắt hột rất dễ mắc và lây lan thành dịch và có nhiều biến chứng nguy cơ dẫn đến mù lòa nhưng có thể phòng tránh bằng các biện pháp đơn giản, dễ thực hiện như sau
- Luôn luôn rửa sạch tay mỗi khi lao động hay tiếp xúc với môi trường đất, nước bẩn
- Chú ý tập thói quen không dụi tay bẩn lên mắt.
- Sử dụng kính khi đi đường tránh gió bụi vào mắt
- Rửa mặt bằng khăn mặt riêng
- Không sử dụng nước ao hồ để tắm rửa, tránh để nước bẩn bắn vào mắt...
- Khi mắc bệnh phải điều trị bảo đảm thời gian theo hướng dẫn của bác sĩ...
Hy vọng qua những chia sẻ này, bạn sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm để phòng tránh, điều trị bệnh đau mắt hột kịp thời, hiệu quả.
Chúc bạn luôn khỏe và hạnh phúc. Bạn hãy thường xuyên truy cập website https://muathuoctot.com để có thêm nhiều thông tin bổ ích về sức khỏe nhé!