icon
Tin tức

Hoạt huyết dưỡng não: ngộ nhận nguy hiểm

Thứ 5, ngày 20/02/2014 08:43:38
Sự quảng cáo rầm rộ các chế phẩm hoạt huyết dưỡng não (thuốc, thực phẩm chức năng…), cùng việc có thể mua các chế phẩm này quá dễ dàng đã dẫn đến tình trạng nhiều người khi có các biểu hiện đau nhức đầu, không đi khám bệnh mà chỉ sử dụng chế phẩm hoạt huy
Sự quảng cáo rầm rộ các chế phẩm hoạt huyết dưỡng não (thuốc, thực phẩm chức năng…), cùng việc có thể mua các chế phẩm này quá dễ dàng đã dẫn đến tình trạng nhiều người khi có các biểu hiện đau nhức đầu, không đi khám bệnh mà chỉ sử dụng chế phẩm hoạt huyết dưỡng não.

Đây là cách chăm sóc sức khoẻ sai lầm, có thể làm tình trạng bệnh nặng thêm!

Hoạt huyết dưỡng não: ngộ nhận nguy hiểm

Cứ thấy đau nhức thì tuỳ tiện sử dụng các chế phẩm hoạt huyết dưỡng não là rất nguy hiểm. Ảnh: T.E.M
 

Não nào cần “dưỡng”?

Bộ não của ta chỉ hoạt động tốt khi được cung cấp đủ lượng máu cần thiết. Nếu lượng máu cung cấp cho não (gọi là tuần hoàn não) bị giảm, ta sẽ bị một số rối loạn, đặc biệt xảy ra ở người già, được gọi là lão hoá thần kinh. Nguyên nhân đưa đến tuần hoàn não giảm gồm có: xơ vữa mạch máu não, giảm các chất sinh học được gọi là các chất dẫn truyền thần kinh, thiếu men chuyển hoá, thiếu glucose và oxy cung cấp cho não... Tuần hoàn não kém sẽ đưa đến các rối loạn như nhức đầu, ù tai, chóng mặt, lo âu, ám ảnh, mất ngủ, trí nhớ kém, thiếu sự tập trung, nặng hơn là lú lẫn, sa sút trí tuệ, loạn ngôn, mất trí nhớ...

Có một số thuốc tân dược được cho là cải thiện tuần hoàn não, tăng cường chuyển hoá tế bào não, hỗ trợ cho các trường hợp lão hoá thần kinh (một số được dùng trong trường hợp bị tai biến mạch máu não, chấn thương não, hỗ trợ trị sa sút trí tuệ...) như cholin alfocerat, glycerylphosphorincholin, citicholin, vinpocetin, piracetam, pentoxiphylin, raubasin, cerebrolysin... Hiện nay, ngoài các thuốc vừa kể còn có một số chế phẩm có nguồn gốc dược thảo như ginkgo biloba (cao chiết xuất từ lá cây bạch quả) hay một số thực phẩm chức năng được gọi chung là chế phẩm hoạt huyết dưỡng não. Mặc dù là dược thảo hay thực phẩm chức năng, vẫn có thể gây tác dụng phụ như ginkgo biloba gây rối loạn tiêu hoá, nhức đầu, nổi mẩn đỏ... Chưa kể các chế phẩm này chỉ có tác dụng phục hồi sự suy giảm trí nhớ do rối loạn tuần hoàn não như trước chứ không giúp vượt qua mức trước đó. Chính vì vậy, sử dụng khi không bị bệnh nhằm bổ dưỡng thần kinh, hay tăng liều để tăng chức năng hệ thần kinh trung ương, tăng hoạt hoá vỏ não, tăng trí nhớ là ngộ nhận.

Tìm đúng bệnh để uống đúng thuốc

Ghi nhận từ các phòng khám sức khoẻ cho thấy nhiều người khi có các biểu hiện nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt… bất luận vì nguyên nhân gì đã vội nghe theo lời quảng cáo, tự ý tìm mua các thuốc giảm đau thông thường hay thuốc, thực phẩm chức năng cải thiện tuần hoàn não với niềm tin uống sẽ khỏi bệnh ngay. Trong khi đó, tình trạng nhức đầu lại có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Phải tuỳ vào nguyên nhân cụ thể, thầy thuốc mới có những chỉ định dùng thuốc phù hợp. Những nguyên nhân phổ biến là:

Nhức đầu do căng thẳng: đây là bệnh nhức đầu thường hay bị nhất, xảy ra khi có sự căng thẳng tinh thần hoặc thể xác. Người bị chứng nhức đầu này thấy nhức nặng trước trán và ra cả hai bên vùng phía sau đầu và cổ, khiến có cảm tưởng như bị vòng đai siết nặng quanh đầu.

Nhức nửa đầu (migraine): là bệnh nhức giật dữ dội một bên đầu, thường buồn nôn, ói mửa, sợ ánh sáng và sợ tiếng động.

Nhức đầu hàng loạt: gần như chỉ xảy ra ở phái nam. Bệnh gây đau dữ dội một bên đầu liên tiếp trong nhiều tuần, sau đó đột nhiên biến mất; 6 – 12 tháng sau, bệnh trở lại tấn công người bệnh. Người bệnh bị nghẹt mũi, chảy nước mắt, nước mũi bên bị nhức đầu.

Ngoài ra còn nhiều nguyên nhân nguy hiểm như bướu não, chảy máu trong não, viêm động mạch thái dương (bệnh này có thể gây mù)…

Như vậy, việc người bệnh đau nhức đầu tuỳ tiện sử dụng các chế phẩm hoạt huyết dưỡng não khi chưa có ý kiến của thầy thuốc là rất nguy hiểm, bởi dùng lâu ngày, không đúng chỉ định và liều dùng có thể bị các tương tác bất lợi, gặp tác dụng phụ căng thẳng, mệt mỏi, mất ngủ, rối loạn hành vi, hoang tưởng, thậm chí tai biến. Ngay cả các loại thuốc bổ tâm thần cao cấp, nếu dùng cho người khoẻ mạnh cũng không có tác dụng nhiều và bị cơ thể đào thải, gây lãng phí, thậm chí còn phản tác dụng. Để an toàn cho bản thân, khi có các biểu hiện đau nhức đầu thì việc quan trọng đầu tiên là phải tìm được nguyên nhân, đặc biệt là loại trừ được các tổn thương não. Thầy thuốc tuỳ theo kiểu và mức độ rối loạn tuần hoàn não của người bệnh mà chọn thuốc, liều thích hợp để lập lại cân bằng não.

 

Chúc bạn luôn tươi trẻ và xinh đẹp. Bạn có thể truy cập website https://muathuoctot.com để tìm hiểu những thông tin và sản phẩm bổ ích cho sức khỏe nhé!

 
Hoạt huyết dưỡng não: ngộ nhận nguy hiểm Hoạt huyết dưỡng não: ngộ nhận nguy hiểm
5 out of 5 based on 131 user ratings.