icon
Tin tức

Mắt kém vì… thuốc kháng sinh?

Thứ 7, ngày 17/05/2014 21:34:14
Các chuyên gia y tế đã cảnh báo nếu sử dụng kháng sinh tùy tiện không những gây nhờn thuốc mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Và một trong những khuyến cáo gần đây nhất của các chuyên gia y tế là sử dụng thuốc kháng sinh không đúng liều sẽ làm gi
Các chuyên gia y tế đã cảnh báo nếu sử dụng kháng sinh tùy tiện không những gây nhờn thuốc mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Và một trong những khuyến cáo gần đây nhất của các chuyên gia y tế là sử dụng thuốc kháng sinh không đúng liều sẽ làm giảm thị lực.

 

Khám mắt ở Bệnh viện Mắt Trung ương
Khám mắt ở Bệnh viện Mắt Trung ương

 

Tùy tiện sử dụng

Chị Mai Phương Uyên, 28 tuổi, đang làm việc tại một doanh nghiệp nước ngoài đóng trên địa bàn Hà Nội. Mặc dù là một trí thức trẻ, tiếp nhận nhiều thông tin không chỉ qua mạng Internet mà còn trực tiếp qua những lần công cán tại nước ngoài, nhưng chị Uyên có một thói quen rất… “truyền thống” là mỗi khi ốm đau bệnh tật, nhất là bệnh viêm họng hay viêm phế quản, chị lại ra hiệu thuốc hoặc là tự “chỉ định” mua thuốc điều trị cho mình trên cơ sở người quen “mách nước” hoặc nhờ chính chủ hiệu thuốc tư vấn.

Chị không bao giờ đến các trung tâm y tế để khám chữa bệnh với lý do: “Phải xếp hàng, chờ đợi mệt người. Vì triệu chứng bệnh của tôi chẳng khác gì của bạn tôi nên nếu bạn tôi dùng thuốc kháng sinh gì khỏi thì cứ dùng thuốc ấy, tôi cũng sẽ khỏi. Chỉ trừ là bệnh trọng mới phải đi khám tại bệnh viện”. Và chị tâm sự dòng thuốc kháng sinh chị hay dùng “trị bệnh” là: zinat, cificxime… Thậm chí, chị bảo nhiều lần sử dụng thuốc chỉ biết viên thuốc có loại màu xanh bạc hà, màu hồng và trắng. Uống kết hợp với nhau để trị bệnh viêm họng.

Khi được hỏi: “Với cách tự trị bệnh như vậy, nếu chẳng may căn bệnh đang mắc không phải chữa trị bằng những thuốc ấy mà phải thuốc khác thì sao. Vì có nhiều bệnh biểu hiện giống nhau hoặc na ná nhau?” thì chị hồn nhiên trả lời: “Trong trường hợp ấy, lại đổi thuốc nếu không khỏi”. Trước cách sử dụng thuốc như vậy, nhiều người tỏ ra lo lắng, ái ngại thay cho chị Uyên về việc nhờn thuốc dễ xảy ra với chị cũng như bệnh biến chứng nặng nếu chị chữa trị theo kiểu “bệnh một đằng thuốc một nẻo”. Một bác sĩ ở Bệnh viện Mắt Trung ương còn cảnh báo: “Sử dụng kháng sinh vô lối như vậy thì chưa già mắt đã mờ đấy”. Thế nhưng chị Uyên lại “bất chấp”, ngay cả khi đó là sức khỏe của chính mình. Chị còn “đánh cược” sức khỏe, mạng sống của mình với những điều không đáng có khi tuyên bố rất chủ quan: “Chết làm sao được vì những chuyện nhờn thuốc và điều trị không đúng thuốc kháng sinh”!?

Chị Vũ Thanh Huyền, ở phố Tôn Đức Thắng, Hà Nội đang nuôi con nhỏ 5 tuổi. Con chị từ lúc sinh ra đến giờ ốm đau liên miên do bị suy giảm hệ miễn dịch. Chị Huyền kể, tháng nào may mắn nhất thì con chị chỉ phải dùng kháng sinh điều trị một lần. Còn không phải 2 lần trở lên. Mà lần nào cũng để điều trị bệnh viêm đường hô hấp trên hoặc phổi. Sau bao lần đưa con đi khám bệnh ở Viện nhi Trung ương, chị Huyền nhận ra thuốc kháng sinh điều trị bác sĩ kê đơn quanh đi quẩn lại chỉ có 3 loại cùng với một số thuốc bổ trợ. Vậy là từ đó trở đi, chị rất ít đưa con đi khám nữa mà cứ thấy con có biểu hiện bệnh là cho con uống chính những loại kháng sinh bác sĩ đã từng kê đơn, Chị nói: “Làm như vậy, vừa không lo uống thuốc sai “chỉ định” vừa không phải đi khám bệnh, mất công chờ đợi”. Thế nhưng chị cũng tâm sự, đã có lần, vì quên mất liều lượng nên chị đã cho con uống gấp đôi số lượng cần phải uống. Như thuốc Zithromax, kháng sinh chuyên điều trị viêm phế quản, theo chỉ định chỉ uống 1 lần/ngày với liều 3,5ml. Vậy mà chị cho con uống 2 lần/ngày, khiến cho quầng mắt con chị thâm tím, cơ thể bị dị ứng. Hoảng quá, chị “loại” hẳn thuốc ấy ra khỏi những loại thuốc điều trị cho con. Tuy nhiên, nhầm lẫn một lần như vậy, chị vẫn không chừa, vẫn điều trị cho con theo thói quen máy móc ấy.

Theo chủ hiệu thuốc ở số 4 phố Đội Cấn, một hiệu thuốc lớn rất đông khách thì đúng là hiện đang có rất nhiều người mua kháng sinh mà không có đơn chỉ định của bác sĩ, chỉ nhớ tên thuốc rồi nói cho chủ hiệu thuốc lấy. Thậm chí có người còn mua kháng sinh theo kiểu… mô tả hình dáng, màu sắc…

200 loại kháng sinh hại mắt

Bác sĩ Trần Diệu Linh, Phó trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cũng công nhận, nhiều bà mẹ sử dụng kháng sinh chữa trị cho con một cách “vô tiền khoáng hậu” làm cho không ít trẻ bị nhờn với nhiều loại kháng sinh, nhất là những loại chuyên trị viêm đường hô hấp. Chị còn kể, có trường hợp phải đi khám mắt do sử dụng quá nhiều kháng sinh trong thời gian dài vì thị lực giảm đến nỗi, mẹ chỉ cách 4-5 bước chân mà không nhận ra.

Theo Hiệp hội Bệnh mắt ở Đức, khoảng 30% các bệnh về mắt như khô, mỏi mắt, tăng áp lực nội nhãn (cườm nước) là do phản ứng phụ của thuốc kháng sinh. Bởi kháng sinh khi uống không chỉ tập trung vào nơi bội nhiễm mà theo máu đến khắp cơ thể, trong đó có mạng lưới mạch máu ở đáy mắt. Cho nên dùng kháng sinh quá lâu, không đúng liều lượng thì mạch máu ở mắt ít nhiều đều bị tổn thương. GS Klaus Peter Steuhl, chuyên gia về mắt ở ĐH Essen, Đức khẳng định: “Thuốc càng mạnh, dùng càng lâu, mắt càng giảm thị lực nhanh chóng”.

Cũng theo Hiệp hội Bệnh mắt ở Đức thì có khoảng 200 loại thuốc kháng sinh có thể gây ra các bệnh viêm loét kết giác mạc, khô mắt, đục thủy tinh thể như nhóm kháng sinh sulphamide, tetracycline, aminazine, lamotrigine, carbamazepine… Cụ thể, các thuốc chữa loãng xương nhóm bisphosphonate có thể gây viêm mống mắt, viêm kết mạc, viêm thần kinh thị giác; Dòng thuốc glucocorticoid thường gây đục thủy tinh thể, dù sử dụng theo hình thức uống, tiêm truyền, nhỏ mắt. Nhóm thuốc này cũng gây tăng nhãn áp (khoảng 30% số bệnh nhân) khi sử dụng theo hình thức nhỏ mắt. Loại thuốc chuyên để chống sốt rét như hydroxychloroquin, nếu điều trị lâu dài có thể gây nhiễm độc võng mạc với biểu hiện rối loạn nhận biết màu sắc, nhìn nhòe; 2 loại thuốc chống lao như ethambutol và isoniazid có thể gây viêm, teo thần kinh thị giác rồi dẫn đến mù…

Ở Việt Nam, nhóm thuốc kháng sinh hay bị lạm dụng và sử dụng tùy tiện nhất là loại chuyên dùng để chữa bệnh viêm đường hô hấp, viêm họng mãn tính, viêm bàng quang, trị nấm. Trong khi, dòng thuốc trị nấm, nếu dùng không đúng liều lượng sẽ trở thành nguyên nhân gây chói mắt. Thuốc kháng sinh trị viêm đường hô hấp dễ gây rối loạn khả năng điều tiết mắt sau đó dẫn đến cận thị hoặc viễn. Nghiêm trọng hơn nữa là bị hoa mắt nhìn 1 thành 2. Thuốc kháng sinh liều cao đối với bệnh viêm họng mãn tính thì theo các chuyên gia y tế dễ dẫn đến các bệnh lý về thần kinh, đau đầu, mờ mắt. Tuy nhiên, theo các bác sĩ ở Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt Trung ương, các bệnh nhân khi đi khám rất hiếm khi được cảnh báo tình trạng này.

Bởi vậy, bác sĩ Hoàng Cương, Phó trưởng phòng Quản lý Khoa học đào tạo, Bệnh viện Mắt Trung ương khuyến cáo, sử dụng kháng sinh trước hết phải theo chỉ định của bác sĩ và tuân thủ đúng liều lượng đã được đặt ra, không được tự ý thêm hoặc bớt liều. Trong trường hợp từ việc phải sử dụng thuốc kháng sinh lâu dài, nếu có biểu hiện bệnh liên quan đến mắt phải đi khám bệnh ngay.

Trong quá trình uống thuốc kháng sinh nên bảo vệ mắt bằng cách bổ sung đầy đủ dinh dưỡng. Gồm các loại sau:

- Các loại giàu vitamin A: gồm gan gà, heo, bò, vịt; lươn, các loại trứng gia cầm, sữa, thịt vịt, cá chép...

- Các loại giàu beta - caroten: gồm các loại trái và củ có màu vàng cam như cà rốt, đu đủ, gấc, nghệ...; các loại rau có màu xanh đậm như: ngót, húng, tía tô, dền, muống, cần, mồng tơi, cải bẹ xanh, lang, hẹ, xúp lơ xanh.

- Các loại giàu vitamin C: gồm trái cây như chanh, cam, quýt, bưởi, dâu tây, ổi, đu đủ, nhãn, táo tây, nho, dứa…

- Các loại giàu vitamin E: gồm các loại dầu đậu nành, hướng dương, mè, đậu phộng; mầm lúa, đậu; các loại hạt: hướng dương, bí, hạt dưa

- Các loại giàu lutein: gồm bắp, trứng, cải bó xôi, cải xoăn...

- Các loại giàu selenium: gồm các loại hải sản: cá, tôm, cua, nghêu, sò, ốc, hến...



Chúc bạn luôn tươi trẻ và xinh đẹp. Bạn có thể truy cập website https://muathuoctot.com để tìm hiểu những thông tin và sản phẩm bổ ích cho sức khỏe nhé!

 

Mắt kém vì… thuốc kháng sinh? Mắt kém vì… thuốc kháng sinh?
3 out of 5 based on 179 user ratings.