icon
Tin tức

Điều trị u tủy

Thứ 2, ngày 11/03/2013 21:28:41
Điều trị u tủy. Ngoài một vài loại u đặc biệt, phương pháp điều trị u tủy được chọn nhiều nhất là mổ lấy u
Ngoài một vài loại u đặc biệt, phương pháp điều trị u tủy được chọn nhiều nhất là mổ lấy u.
   
Các loại u tân sinh thường phát triển không ngừng, càng ngày càng to ra và chèn ép ngày càng nhiều vào tủy và hệ thống thần kinh nên chỉ định mổ là không tránh khỏi. Có một số loại không phải là u tân sinh nhưng cũng ngày càng to ra như nang thượng bì hoặc u quái, u mỡ… khi đã có triệu chứng thường người ta cũng phải mổ lấy u. Chỉ có các u lym phô (lymphoma) là nhạy với hóa trị và u tế bào mầm (germinoma) là nhạy với tia xạ, ngoài các loại đó thì gần như chỉ có mỗi một võ là mổ để giải quyết các trường hợp u tủy.

Đối với u trong màng cứng ngoài tủy, việc mổ lấy u có thể nói là khá dễ dàng vì các u này thường chỉ dính một phần nhỏ vào các dây thần kinh hoặc màng tủy. Tuy nhiên đôi lúc cũng có thể có khó khăn, nhất là khi các trường hợp u màng não tủy dính vào màng tủy ở phía trước, việc cắt bỏ màng tủy để tránh tái phát có thể thực hiện một cách dễ dàng nhưng việc khâu kín nó để tránh dò dịch não tủy ra ngoài mới thực sự là công việc khó khăn. Hiện nay, với xu hướng phẫu thuật ít xâm lấn, nhiều tác giả chủ trương chỉ bóc tách cơ một bên, cắt một bên bản sống và sau đó cắt u ra từng mảnh nhỏ để lấy khối u trong màng cứng ngoài tủy ra ngoài. Cuộc mổ lấy u trong màng cứng ngoài tủy vì vậy trở nên nhẹ nhàng hơn cho người bệnh.

Đối với các trường hợp u ngoài màng cứng, việc lấy hết khối u thường khó khăn hơn so với u trong màng cứng ngoài tủy vì khối u có thể ăn lan ra nhiều hướng khác nhau, hủy xương nhiều, chảy máu nhiều và đặc biệt là khi xương bị hủy thì phải nạo sạch, ghép xương rồi cố định nẹp vis… làm cho cuộc mổ trở nên nặng nề. Đã vậy mà những trường hợp u ngoài màng cứng lại thường là u di căn, khả năng hồi phục kém, thời gian sống còn lại không dài. Chính vì những điều đó mà người ta cân nhắc có nên mổ cho những trường hợp như vậy hay không. Và khi thấy rằng mổ không có lợi, nhiều bác sĩ cho rằng cần phải làm gì đó cho người bệnh, vậy là lại hóa trị, xạ trị mà trong đa số trường hợp chúng không có tác dụng gì ngoài việc người bệnh không cảm thấy bị bỏ rơi.

Đối với các trường hợp u nội tủy thì vấn đề khác hẳn. Vai trò của điều trị phẫu thuật u nội tủy mới được xác định một cách đúng đắn gần đây. Trước đây người ta cho rằng mổ u nội tủy chỉ với mục đích giải ép chứ không thể lấy hết khối u. Phần xử lí khối u được giao cho xạ trị. Tuy nhiên càng về sau người ta càng nhận thấy xạ trị không những không diệt được khối u mà còn diệt cả phần tủy không bị bệnh và góp phần sinh ra các u khác. Với sự phát triển của các phương tiện hỗ trợ trong mổ xẻ cũng như trong chẩn đoán, việc mổ lấy hết khối u trong tủy không còn là công việc vô vọng. Và khi mổ lấy hết u thì người ta mới nhận ra rằng đối với u nội tủy, khi chúng có độ ác tính thấp thì chỉ cần mổ lấy hết u là mọi chuyện ngon lành mà không cần xạ trị hay hóa trị, khả năng tái phát rất thấp. Tuy nhiên khó khăn lại nằm ở chỗ mổ lấy hết u mà không làm hư tủy. Đây thực sự là một thách thức rất lớn cho các phẫu thuật viên thần kinh. Hiện nay, nếu tính toàn bộ số phẫu thuật viên (hiện vẫn còn sống) trên thế giới đã từng mổ lấy hết được cỡ trên 100 trường hợp u nội tủy trong cuộc đời phẫu thuật của mình thì có lẽ con số chỉ đếm được trên đầu các ngón tay mà thôi. Tuy nhiên, số bác sĩ đã từng mổ u nội tủy thì nhiều hơn, mỗi người mổ một hoặc vài ba ca và chỉ cần một trong số các ca đó thành công thực sự (nghĩa là lấy hết u mà bệnh nhân không xấu hơn) là đã đủ để xếp vào hàng “top” rồi. Việc mổ lấy toàn bộ khối u nội tủy thành công hay không phụ thuộc một phần vào phương tiện. Đầu tiên là kính hiển vi phẫu thuật. Bác sĩ sẽ không thể thành công nếu mổ bằng mắt thường vì để bóc tách được khối u ra khỏi tủy cần phải phóng đại lên cỡ 16 đến 20 lần. Hiện nay ở Việt nam chúng ta đã có thể giải quyết khá tốt những trường hợp u nội tủy và trong tương lai, nếu tổ chức tốt, chúng ta có thể sẽ là một trong một số ít nơi trên thế giới có khả năng giải quyết tốt những khối u này.

Ngoài các trường hợp nêu trên còn có một trường hợp khá đặc biệt trong việc mổ lấy hết khối u là những u hinh quả tạ đôi. Những khối u này thường có một phần nhỏ trong ống sống, chèn ép vào tủy, trong khi phần u lớn hơn nằm ở ngoài ống sống, lan vào trong bụng hoặc trong ngực. Trước đây người ta phải mổ hai lần để lấy hết các khối u này. Tuy nhiên việc mổ hai lần không phải lúc nào cũng suôn sẻ vì trong nhiều trường hợp, việc cầm máu ở nơi khối u được cắt ngang trong lần mổ đầu tiên rất khó khăn. Ở những trường hợp như vật thì yêu cầu phải mổ lấy hết khối u trong một cuộc mổ là yêu cầu bức bách. Và hiện nay người ta cũng đã có một kĩ thuật để đáp ứng được yêu cầu này. Đó là một đường mổ được thực hiện từ phía sau và luồn ra phía trước để lấy được hết khối u dù nó có nằm trong lồng ngực hay trong bụng. Giống như đối với u nội tủy, chúng ta cũng có thể tự hào rằng chúng ta đã giải quyết được những khối u này giống như ở các trung tâm lớn trên thế giới.

Như vậy ngoài một số rất ít các trường hợp đặc biệt, đa số các trường hợp u tủy đều phải cần đến một cuộc mổ để giải quyết khối u, giải phóng sự chèn ép. Cuộc mổ sẽ là dễ dàng nếu u ở trong màng cứng và ngoài màng tủy, sẽ khó khăn hơn nếu là u ngoài màng cứng và sẽ trở nên vô cùng khó khăn nếu là u nội tủy.
Điều trị u tủy Điều trị u tủy
3 out of 5 based on 249 user ratings.