Rau muối có tác dụng thanh nhiệt, sát khuẩn.
Loài cây thảo mà mặt lá có những điểm trắng rất nhỏ như giọt sương muối nên được gọi là cây rau muối. Thân cây nhẵn, phân nhánh nhiều. Lá mọc so le, có cuống ngắn, các lá phía dưới lớn hơn, có hình thoi, có răng lượn sóng ở mép, lá có màu lục trắng và có phấn (do có lông mọng nước, làm cho mặt lá như rắc bột, rắc muối). Hoa tập hợp thành chùm, bao hoa trắng không cuống, nhuỵ có 2 đầu nhuỵ. Quả bế; hạt óng ánh, màu đen. Mùa ra hoa khoảng tháng 2 - 6, có quả vào mùa thu.
Toàn cây được sử dụng làm thuốc, thân cây có lá chứa 87,7% nước, 5,3% protein, 1,2% glucid và khoáng toàn phần 2,2%. Ngoài ra cây có các muối khoáng như: calcium, phospho, vitamin C…
Theo Đông y, rau muối có vị ngọt, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, sát khuẩn, chữa tả lỵ, chống ngứa. Ngoài ra rau có tác dụng nhuận tràng và trừ giun, lá có tác dụng chống viêm, an thần, nhuận tràng nhẹ, trị kiết lỵ, tiêu chảy...
Một số bài thuốc thường dùng
Bài 1: Chữa đau bụng do lạnh: Rễ cây rau muối 20g, rửa sạch. Cho 500ml nước sắc còn 150ml nước, chia 2 lần uống trong ngày. Uống lúc còn ấm, dùng liền 5 ngày.
Bài 2: Chữa cước khí đầu gối, bàn chân đau nhức: Lá rau muối 20g, cho 500ml nước sắc còn 150ml nước, chia 3 lần uống nóng trong ngày, cách nhau mỗi lần 3 giờ. Dùng 5 - 10 ngày. Kết hợp với ngâm chân. Lấy cả cây rau muối (1 nắm to), rửa sạch cho vào nồi đổ ngập nước, đun sôi khoảng 15 phút. Để nước ấm (tránh bị nóng gây bỏng) ngâm chân 15 phút, ngâm cho nước đến nguội (rồi chế thêm nước cho nóng). Sau đó, lau khô chân và xoa bóp 2 bàn chân, đặc biệt gan bàn chân (xoa bóp 5 phút). Làm như vậy nhiều lần sẽ rất tốt.
Bài 3: Giảm đau răng, viêm chân răng: Lấy 20g lá rau muối, rửa sạch, cho 400ml nước, sắc đặc còn 100ml nước, ngậm và súc miệng thường xuyên sẽ hiệu nghiệm (sau mỗi lần ngậm hay súc miệng không được nuốt).
Lưu ý: Để bài thuốc có hiệu quả và phù hợp với cơ địa cần được các nhà chuyên môn bắt mạch tư vấn.